Cần khai thác để đáp ứng nhu cầu đá vật liệu xây dựng

Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp nằm trên địa bàn khu phố Đông An, Tân An, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, có 4 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép bắt đầu hoạt động khai thác và chế biến đá xây dựng từ năm 1996 là Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Trung Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3-2, với tổng diện tích được cấp phép là 44.923,2m2, độ sâu khai thác đến -120m, công suất khai thác 3.945.510 m3/năm. Theo quy hoạch, đến hết năm 2017 Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp đóng cửa mỏ, đưa đất sử dụng vào mục đích khác. Đây là cụm mỏ đã được cấp phép khai thác xuống sâu -120m không mở rộng diện tích trên mặt và đảm bảo các yếu tố về an toàn theo quy phạm khai thác mỏ lộ thiên.

Đá khai thác tại mỏ đá Tân Đông Hiệp được đánh giá có chất lượng tốt

Vào cuối năm 2017, theo kiến nghị các doanh nghiệp khai thác đá tại Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương khảo sát thăm dò Cụm mỏ đá này xuống cote -150m và giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện các bước đúng quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội về phương án quy hoạch khai thác tại mỏ đá Tân Đông Hiệp xuống cote -150m

Trước đó, để đảm bảo tính khách quan, dân chủ, tôn trọng quyền và lợi ích của nhân dân trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước và của doanh nghiệp, từ ngày 27/12/2017 đến ngày 30/12/2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến của nhân dân sống xung quanh khu vực chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác tại cụm mỏ đá này về chủ trương khai thác xuống đến cote -150m, thời gian khai thác đến hết năm 2019. Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong số 374 hộ dân được khảo sát lấy ý kiến, tỷ lệ hộ đồng ý tiếp tục cho khai thác chiếm 91,94%. Trên cơ sở đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội về phương án quy hoạch khai thác tại Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp. Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực mỏ, địa chất và khoáng sản gồm: PGS.TS. Đậu Văn Ngọ - giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, ThS. Nguyễn Văn Mài - Liên đoàn địa chất 6 thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, ThS.Hồ Minh Phụng - Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật tỉnh Bình Dương cho rằng, mỏ có trữ lượng dồi dào, đá có chất lượng tốt đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm của tỉnh và trong khu vực. Việc khai thác xuống cote -150m không mở rộng mặt bằng trên đất mặt sẽ giảm mức độ ảnh hưởng do hoạt động nổ mìn tới các công trình lân cận, suất đầu tư giảm so với đầu tư một mỏ mới vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần hỗ trợ an sinh xã hội và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương.

Cơ sở khoa học đánh giá khả năng khai thác

Để có nghiên cứu khoa học, đánh giá một cách toàn diện đối với hoạt động này, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Trung tâm nghiên cứu Cơ - Điện - Mỏ thuộc Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện đề tài nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng trong và sau khai thác xuống cote -150m tại cụm mỏ đá này. Đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ khai thác mỏ lộ thiên ở Việt Nam.

GS.TS Bùi Xuân Nam - Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cơ - Điện - Mỏ, chủ nhiệm đề tài cho biết: "Mục tiêu của đề tài là đánh giá được ảnh hưởng trong và sau khai thác xuống cote -150m tại Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đề tài giải quyết 03 vấn đề chính: Nghiên cứu đánh giá độ ổn định bờ mỏ khi khai thác xuống sâu mức -150m tại Cụm mỏ Tân Đông Hiệp và đề xuất các giải pháp khắc phục; nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của sóng chấn động nổ mìn phá đá tại Cụm mỏ Tân Đông Hiệp đến các công trình cần bảo vệ và đề xuất giải pháp nổ mìn hợp lý nhằm giảm thiểu sóng chấn động nổ mìn; nghiên cứu đánh giá nguy cơ xảy ra động đất kích thích khi moong khai thác tới độ sâu -150m được tích nước và đề xuất các giải pháp giảm thiểu; phương án cải tạo mỏ sau khi kết thúc khai thác. Sản phẩm của đề tài sẽ là các báo cáo, sơ đồ, bản đồ, hộ chiếu nổ mìn mẫu, quy chuẩn, quy trình, khuyến nghị, khuyến cáo,… cho chủ đầu tư triển khai thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và nhân dân giám sát. Ngày 08/6/2018, Hội đồng thẩm định đã họp cho ý kiến nội dung đề tài. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng, chúng tôi đã tổng hợp, chỉnh sửa đề cương nghiên cứu và triển khai đề tài".

Đoàn nghiên cứu tiến hành đo giám sát nổ mìn thực nghiệm tại Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp xác định ảnh hưởng của sóng chấn động nổ mìn đến các công trình cần bảo vệ như đường sắt Bắc – Nam, tuyến đường ống nước, đường Mỹ Phước-Tân Vận và khu dân cư

"Trong tháng 5/2018, nhóm nghiên cứu do TS. Trần Quang Hiếu - Phó trưởng Bộ môn Khai thác lộ thiên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất làm Trưởng nhóm đã tiến hành đo giám sát nổ mìn thực nghiệm tại Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp nhằm xác định ảnh hưởng của sóng chấn động nổ mìn đến các công trình cần bảo vệ như tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ống nước sinh hoạt và khu dân cư gần nhất có sự tham gia của đại diện Sở Công Thương, Ban Quản lý mỏ, cán bộ UBND phường Tân Đông Hiệp, đại diện khu phố Đông An, Tân An. Với các thiết bị đo sóng chấn động hiện đại nhất hiện nay như: Micromate và Blastmate III (của hãng Instantel - Canada), được bố trí giám sát đồng thời tại các công trình cần bảo vệ, kết quả đo cho thấy tốc độ dao động gây ra do sóng chấn động nổ mìn của các đợt nổ nhỏ hơn nhiều lần so với giá trị dao động lớn nhất cho phép theo quy định trong QCVN 02:2008/BCT (25,4 mm/s)" - GS.TS Bùi Xuân Nam cho biết.

Theo các chuyên gia phản biện là thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài cấp tỉnh: Ông Đậu Văn Ngọ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thu - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học địa chất môi trường và Địa lý (USGEG), TS. Nguyễn Văn Bỉnh - nguyên chuyên viên Hội đồng đánh giá trữ lượng quốc gia, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đưa ra được các khuyến cáo và giải pháp khắc phục để áp dụng vào thực tế quản lý trong quá trình khai thác, đóng cửa mỏ và cải tạo phục hồi môi trường. Các nghiên cứu đưa ra đều dựa trên cơ sở khoa học, sử dụng phương pháp và các thiết bị tiên tiến, hiện đại trong quá trình khảo sát, đánh giá và dự báo. Đây là cơ sở khoa học rất quan trọng để làm căn cứ xem xét khả năng khai thác xuống -150m của mỏ đá Tân Đông Hiệp.   

Dựa trên cơ sở phân tích và đánh giá khả năng khai thác, ý kiến phản biện của các chuyên gia, ngày 24/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2385/QĐ-UBND công nhận kết quả nghiên cứu đề tài.

Thiết bị đo sóng chấn động hiện đại Micromate Blastmate III - Instantel (Canada) cho ngay kết quả đo sau khi nổ mìn

Khai thác phải đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường

Ông Phạm Danh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết, để cấp phép khai thác xuống độ sâu -150m tại Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, các công ty khai thác đá phải hội đủ các điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, dựa trên kết quả nghiên cứu Đề tài "Đánh giá ảnh hưởng trong và sau khai thác xuống cote -150m tại Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp" của Trung tâm nghiên cứu Cơ - Điện - Mỏ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, UBND tỉnh đã xem xét cấp phép khai thác xuống -150m của cụm mỏ đá này. 

Theo nội dung giấy phép cấp cho các công ty khai thác khoáng sản, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị này thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong quá trình khai thác, phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn công trình mỏ; phải có biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan về an toàn trong khai thác mỏ. Thường xuyên thực hiện việc kiểm soát các khu vực khai thác, chế biến, các công trình phụ trợ; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an toàn, trật tự theo quy định của pháp luật. Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác. Các công ty chỉ được phép tiến hành khai thác sau khi thực đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và các quy định tại giấy phép được cấp...

UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương và các cơ quan chức năng phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát yêu cầu các đơn vị trong cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp thực hiện đúng các giải pháp kỹ thuật đã được nghiên cứu, kết luận trong đề tài. Các chủ đầu tư cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, Trung tâm nghiên cứu Cơ- Điện - Mỏ phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, các khuyến cáo và giải pháp khắc phục của đề tài vào thực tế quản lý trong quá trình khai thác, đóng cửa mỏ và cải tạo phục hồi môi trường.

Trao đổi với đại diện các doanh nghiệp khai thác khoáng sản về những cam kết của doanh nghiệp khi được phép khai thác xuống cote -150m đối với Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, ông Hoàng Văn Lộc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) cho biết: "Được UBND tỉnh cho phép tiếp tục khai thác xuống đến cote -150m và thời gian khai thác đến hết năm 2019, chúng tôi sẽ thực hiện đúng, đầy đủ các quy định, cam kết với chính quyền và nhân dân sống xung quanh khu vực mỏ đá. Cụ thể, tăng cường các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn, bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác; điều tiết lưu lượng xe ra vào mỏ nhằm hạn chế ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư; tăng mức hỗ trợ cho các hộ dân; khắc phục ngay những thiệt hại đối với những hộ dân bị nứt nhà do nổ mìn khai thác, xử lý dứt điểm những phát sinh mới. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho địa phương để xây dựng các công trình phúc lợi, thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, Luật Môi trường và đánh giá tác động môi trường theo đề án được duyệt. Kết thúc thời gian khai thác, các doanh nghiệp sẽ đưa cụm mỏ về trạng thái an toàn, xây dựng dự án đầu tư sử dụng mặt bằng sau khi đóng cửa mỏ phù hợp với quy hoạch kinh tế-xã hội của địa phương".

Ông Nguyễn Thanh Liêm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, với vai trò trách nhiệm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ cùng với các sở, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân khu phố Đông An, Tân An giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật, việc thực hiện các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn và thực hiện các cam kết đối với chính quyền địa phương và nhân dân sinh sống xung quanh khu vực cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp trong quá trình doanh nghiệp khai thác xuống độ sâu cote -150m và thời gian khai thác đến hết năm 2019.

Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/