LỊCH SỬ BỘ MÔN KHAI THÁC LỘ THIÊN

1. Sự ra đời Bộ môn Khai thác lộ thiên (KTLT) và quá trình xây dựng các ngành đào tạo

            Năm 1965, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại, Miền Bắc trong hoàn cảnh vừa kháng chiến chống Mỹ, vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Điều đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đặc biệt, đó là đội ngũ cán bộ có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, quản lý liên quan đến khai thác tài nguyên khoáng sản phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Tháng 10 năm 1965, ngành KTMLT chính thức được ra đời và đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Khóa 10 (tức khóa 1 của Trường Đại học Mỏ - Địa chất), thuộc Bộ môn Khai thác Mỏ, tiền thân của Bộ môn Khai thác lộ thiên (KTLT), do thầy Phạm Văn Hiên là Tổ trưởng. Ngày 8 tháng 8 năm 1966, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chính thức được thành lập từ Khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của Bộ môn KTLT để quản lý đào tạo ngành KTMLT vừa mới ra đời trước đó không lâu. Đội ngũ cán bộ đầu tiên của Bộ môn KTLT còn khá mỏng và trẻ trung gồm 5 thầy: thầy Phạm Văn Hiên, thầy Lê Quang Hồng, thầy Nguyễn Thanh Tuân, thầy Hồ Sĩ Giao và thầy Nguyễn Đình Ấu, nhưng đã đủ sức gánh vác trọng trách nặng nề do Nhà trường giao phó là đặt nền móng đầu tiên để đào tạo kỹ sư ngành KTMLT của Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Thầy Lê Quang Hồng được giao phụ trách Bộ môn, thầy Nguyễn Thanh Tuân là Tổ phó Bộ môn. Sau đó Bộ môn được bổ sung thêm các thầy cô: thầy Trần Mạnh Xuân, thầy Nguyễn Đình Cúc, thầy Nguyễn Hoành, thầy Nguyễn Ngọc Thụ, thầy Nguyễn Văn Kháng, cô Nguyễn Thị Vân Anh, thầy Bùi Quang Trung, thầy Nhữ Văn Bách, thầy Cao Trọng Khuông, thầy Nguyễn Sỹ Hội; các cán bộ phục vụ giảng dạy là thầy Ngô Xuân Nho, thầy Dương Văn Đông, thầy Hồ Xuân Thắng, thầy Phạm Văn Phú và cô Nguyễn Ngọc Hoa.

         Thời kỳ đầu, Bộ môn KTLT ra đời như người con tách khỏi vòng tay cha mẹ để xây dựng một cuộc sống mới độc lập, khó khăn thiếu thốn trăm bề, lại trong hoàn cảnh bom đạn do chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, phải đi sơ tán về các vùng quê. Hình ảnh các thầy chọn những cuốn sách khi chia tay ở Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để đặt nền móng xây dựng Bộ môn mới còn in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ của Bộ môn KTLT. Thật là khâm phục và tự hào khi hành trang xây dựng Bộ môn mới, Ngành mới của thế hệ tiền bối chỉ bằng đôi bàn tay, khối óc, lòng nhiệt huyết và tài liệu chuyên môn còn khá nghèo nàn, ít ỏi. Điều trăn trở nhất của các thầy lãnh đạo Nhà trường và Bộ môn KTLT lúc đó là làm thế nào để đào tạo có chất lượng lứa kỹ sư KTMLT đầu tiên mang thương hiệu Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Muốn vậy, điều đầu tiên phải đào tạo là nâng cao trình độ về lý thuyết và thực tiễn cho đội ngũ cán bộ giảng dạy, sau đó là bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo và các học cụ phục vụ công tác dạy và học, gắn liền lý thuyết với thực tiễn, quan tâm tới công tác quản lý sinh viên.

         Năm 1968, thầy Lê Quang Hồng và thầy Phạm Văn Hiên được cử đi nghiên cứu sinh tại Ba Lan. Thầy Phạm Quang Miện (lúc đó đang phụ trách Công đoàn Trường) được cử phụ trách Bộ môn thay thầy Lê Quang Hồng. Lớp cán bộ nòng cốt đầu tiên của Bộ môn được đào tạo tại Liên bang Xô Viết trở về là thầy Phạm Công Khanh, sau đó là thầy Trần Mạnh Xuân. Thầy Phạm Công Khanh với học vị Phó Tiến sĩ (PTS) chính thức được Nhà trường bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn KTLT (giai đoạn 1969-1974), thầy Trần Mạnh Xuân được cử giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Bộ môn (giai đoạn 1971-1982) và sau đó là Chủ nhiệm Bộ môn (giai đoạn 1985 - 1995). Năm 1974, thầy Lê Quang Hồng và thầy Phạm Văn Hiên hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu sinh (NCS) với học vị PTS trở về Bộ môn công tác. Thầy Lê Quang Hồng được cử giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn KTLT (giai đoạn 1974 - 1984) thay thầy Phạm Công Khanh được điều lên công tác tại Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh rồi sau đó công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

         Chỉ với thời gian chưa đầy 10 năm, cùng chủ trương đúng đắn với trí tuệ và sự khát khao của tuổi trẻ, các thế hệ cán bộ của Bộ môn từ lúc thành lập chỉ là kỹ sư đã phấn đấu trở thành các nhà khoa học đầu ngành được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo kỹ sư KTMLT, đặt nền móng cho công tác đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học của Ngành và của đất nước.

         Lớp sinh viên khóa đầu tiên của ngành KTMLT tốt nghiệp năm 1970 được đào tạo bài bản, học đi đôi với hành và những công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) đầu tiên của sinh viên đã được thực tế sản xuất ghi nhận. Nhiều kỹ sư khóa 10 đã trở thành các nhà khoa học, các kỹ sư giỏi, đặc biệt trong số đó có thầy Nhữ Văn Bách, sau khi tốt nghiệp được giữ lại công tác ở bộ môn KTLT (năm 1970), sau này đã trở thành Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo Ưu tú, là một trong những nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực Mỏ và là Chủ nhiệm Bộ môn KTLT nhiều năm (1995 – 2007); thầy Cao Trọng Khuông được giữ lại công tác ở Bộ môn KTLT, sau đó được chuyển sang Bộ môn Vận tải mỏ cùng thầy Nguyễn Văn Kháng và cô Nguyễn Thị Vân Anh.

         Để có được tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo và NCKH, các thầy đã tìm tòi từ sách tiếng Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Pháp, Anh và đặc biệt, dưới sự chủ trì của các thầy Phạm Công Khanh, Trần Mạnh Xuân, Hồ Sĩ Giao, cuốn giáo trình đầu tiên được xuất bản từ Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp “Cơ sở thiết kế mỏ lộ thiên” mà cho tới nay vẫn là tài liệu được xếp vào hàng “Kinh điển” trong kho tàng sách của Bộ môn. Ở thời điểm đó, một số giáo trình tuy mới chỉ được in rônêô, như “ Phá vỡ đất đá bằng khoan - nổ mìn” của thầy Lê Quang Hồng đã giúp nhiều thế hệ sinh viên có kiến thức về sử dụng năng lượng của chất nổ trong các lĩnh vực xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cũng thấy trước được tiềm năng sử dụng năng lượng nổ mìn trong lĩnh vực công nghiệp như khai thác mỏ, xây dựng, giao thông, thủy lợi,… mà ngay từ giai đoạn đầu tiên thành lập Bộ môn KTLT và ngành KTMLT đã hình thành cơ cấu học thuật xuyên suốt đến tận bây giờ, đó là nhóm công nghệ và nhóm nổ mìn.

         Ngoài các tài liệu ít ỏi ban đầu khi mới thành lập phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và tham khảo ở trên, cho đến nay Bộ môn KTLT đã có số lượng lớn các bài giảng, giáo trình, sách tham khảo và chuyên khảo được các thế hệ thầy cô dày công xây dựng và đóng góp trong gần 60 năm qua. Có thể kể tới các công trình: “Ổn định bờ mỏ” của thầy Nguyễn Thanh Tuân; “Khai thác bằng sức nước” của các thầy Phạm Công Khanh, Nguyễn Sỹ Hội; “Các quá trình sản xuất trên mỏ lộ thiên”, “Ổn định bờ mỏ”, “Bài tập kỹ thuật khai thác” của thầy Trần Mạnh Xuân; “Khai thác vật liệu xây dựng” của các thầy Trần Mạnh Xuân, Hồ Sĩ Giao, Nguyễn Sỹ Hội; “Công nghệ khai thác đá”, “Thiết kế mỏ lộ thiên”, “ Khai thác khoáng sản rắn bằng phương pháp lộ thiên”, “Bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ lộ thiên”, “Khai thác khoáng sàng sa khoáng”, “Khai thác quặng lộ thiên” của thầy Hồ Sĩ Giao chủ biên; “Phá vỡ đất đá bằng phương pháp khoan - nổ mìn” của các thầy Nguyễn Đình Ấu, Nhữ Văn Bách, Lê Văn Quyển; “Nâng cao hiệu quả khoan - nổ mìn trong khai thác mỏ” của thầy Nhữ Văn Bách; “Kỹ thuật an toàn trong khai thác lộ thiên” của thầy Nguyễn Sỹ Hội; “Cơ sở khai thác mỏ lộ thiên” của thầy Nguyễn Phụ Vụ; “Nổ hóa học - Lý thuyết và Thực tiễn” của các thầy Hồ Sĩ Giao, Đàm Trọng Thắng, Lê Văn Quyển, Hoàng Tuấn Chung; “An toàn và vệ sinh lao động trong ngành mỏ”, “Nâng cao hiệu quả khai thác các mỏ đá xây dựng khu vực Nam Bộ”, “Các phương pháp làm tơi đất đá bằng cơ giới trong khai thác mỏ lộ thiên”, “Các mô hình tối ưu hóa biên giới mỏ lộ thiên”, “Những phương pháp khai thác lộ thiên đặc biệt”, ”Tối ưu hóa sự phối hợp giữa máy xúc và ô tô cho các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh”, “Từ điển Anh - Việt ngành Mỏ và Môi trường”, “Từ và thuật ngữ Anh-Việt, Việt-Anh chuyên ngành Khai thác lộ thiên”, “Tiếng Anh chuyên ngành Khai thác mỏ lộ thiên”, “Tin học ứng dụng trong khai thác mỏ lộ thiên”,… của thầy Bùi Xuân Nam chủ biên và các thầy Trần Quang Hiếu, Nguyễn Anh Tuấn, Đỗ Ngọc Hoàn, Nguyễn Hoàng, Trần Đình Bão, Lê Quí Thảo; “Nổ mìn trong ngành mỏ và công trình”, “Công tác khoan - nổ mìn và kỹ thuật sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong ngành mỏ - công trình” của các thầy Trần Quang Hiếu, Đàm Trọng Thắng, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Quí Thảo; “Nổ mìn và kỹ thuật an toàn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp” của các thầy Nguyễn Đình Ấu, Nhữ Văn Bách, Lê Văn Quyển, Nguyễn Đình An; “Công nghệ khai thác đá khối tiên tiến” và “Mô phỏng khối đá hỗ trợ khai thác đá khối an toàn và hiệu quả” của các thầy Nguyễn Anh Tuấn, Trần Quang Hiếu, Phạm Văn Việt; “Công nghệ khai thác các mỏ quặng titan sa khoáng ven biển Việt Nam” của các thầy Lê Quí Thảo, Bùi Xuân Nam, Vũ Đình Hiếu,…; “Dự báo chấn động nổ mìn trong khai thác mỏ lộ thiên bằng mô hình trí tuệ nhân tạo” của các thầy Nguyễn Hoàng, Bùi Xuân Nam, Trần Quang Hiếu,…

         Học đi đôi với hành là điều tưởng như không có gì mới nhưng hoàn toàn không đơn giản, dễ dàng, cho tới tận bây giờ vẫn đang là vấn đề thời sự nóng hổi. Trong điều kiện Trường chuyển từ Thuận Thành (Hà Bắc) lên Phổ Yên (Bắc Thái), nhà cửa còn đơn sơ, dột nát, thiếu thốn phương tiện thực hành, thầy trò của Bộ môn trong tình thế “thắt lưng buộc bụng” vẫn duy trì được phương châm học đi đôi với hành, các lớp sinh viên đều được tổ chức đi thực hành khoan - nổ mìn và thực tập sản xuất ở mỏ, mà điểm sáng là “Chương trình học đi đôi với hành của lớp khai thác lộ thiên Khóa 18” tại Đồng Giao, Phả Lại và Cọc Sáu. Ở mỏ đá Đồng Giao sinh viên do thầy Nguyễn Sỹ Hội phụ trách được trực tiếp thi công khoan, nổ mìn đào giếng nổ mìn buồng để san bạt đỉnh núi; ở Phả Lại sinh viên do thầy Lê Quang Hồng và thầy Nguyễn Đình Ấu phụ trách được tham gia khoan nổ, đào lò ngang để nổ mìn buồng san nền nhà máy nhiệt điện bây giờ; ở Cọc Sáu sinh viên vừa thực tập sản xuất vừa được trực tiếp tham gia thiết kế khai thác vỉa mỏng Bờ Nam do thầy Nguyễn Thanh Tuân hướng dẫn. Thông qua chương trình này sinh viên nắm chắc thực tế công tác mỏ, công việc của người công nhân mỏ, kỹ sư mỏ, biết vận dụng sáng tạo kiến thức lý thuyết để giải quyết vấn đề thực tế đặt ra, giúp họ trưởng thành nhanh chóng. Sau khi ra trường, các kỹ sư trẻ ngành KTMLT tự tin trên mọi cương vị công tác, từ các cán bộ kỹ thuật, các chuyên gia đến các cương vị chủ chốt như trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc,… tại các cơ sở sản xuất mỏ và các công trình xây dựng trên khắp đất nước.

         Phải khẳng định rằng, qua nhiều thập kỷ nhìn lại những chủ trương, định hướng về đào tạo của Nhà trường và của các thế hệ tiền bối Bộ môn KTLT trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo liên quan tới xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đầu ngành, chuẩn bị nguồn tài liệu cho giảng dạy, cơ cấu học thuật và gắn chặt học đi đôi với hành luôn luôn đúng đắn và có tính thời sự nóng hổi.

         Năm 1975 đến 1985 theo yêu cầu cấp thiết của công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, các lớp kỹ sư KTMLT khóa 15, 16, 18, 19, 20, 21, 22, 23 và 24 được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn vững vàng đã đóng góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà máy, đặc biệt khóa 25 được đặc cách tốt nghiệp để đáp ứng nhân lực sớm hoàn thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình, chinh phục dòng sông Đà, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước. Giai đoạn này Bộ môn được bổ sung thêm các thầy, cô: Thầy Ngô Đại Hồng, thầy Phạm Văn Quý, cô Nguyễn Thị Đức, thầy Lê Văn Quyển, thầy Nguyễn Phụ Vụ, thầy Lê Hữu Quỳnh và thầy Nguyễn Văn Minh. Có thể nói Bộ môn KTLT đã trở thành một trong những Bộ môn mạnh nhất của Trường Đại học Mỏ - Địa chất lúc bấy giờ với 5 PTS.

         Năm 1991, theo chủ trương đào tạo ngành rộng, lớp sinh viên được đào tạo theo chương trình chung bao gồm cả khai thác mỏ lộ thiên và khai thác mỏ hầm lò bắt đầu từ khóa 36. Do nhu cầu mở rộng quy mô sản lượng các mỏ lộ thiên, đa dạng hóa các sản phẩm khai thác trên quy mô toàn quốc, một loạt các mỏ lộ thiên khai thác than, sắt, đồng, bôxít, titan, đá, cát sỏi, sét,… ra đời, quy mô đào tạo ngành KTMLT tăng mạnh. Nhiều lớp đào tạo kỹ sư khai thác mỏ (Khóa 36) được mở tại vùng mỏ Quảng Ninh song song với lớp chính quy học tại Hà Nội đã đáp ứng kịp thời kỹ sư cho ngành than và các mỏ lộ thiên trên khắp toàn quốc. Có thể nói ngành KTMLT là một trong số ít các ngành của Trường Đại học Mỏ - Địa chất từ khi ra đời đến nay duy trì đào tạo liên tục với nhịp độ tăng, quy mô ổn định. Trong 30 năm gần đây, số kỹ sư ngành KTMLT được đào tạo chiếm trên 80% tổng số kỹ sư ngành KTMLT được đào tạo trong 60 năm, số tiến sĩ được đào tạo chiếm 90%, thạc sĩ chiếm 100%. Điều đó càng khẳng định sự ổn định và phát triển của ngành KTMLT, cũng như những nỗ lực của đội ngũ thầy cô trong Bộ môn KTLT đã cống hiến cho sự nghiệp đào tạo của ngành. Từ năm 1993 đội ngũ cán bộ của Bộ môn liên tục được bổ sung để thay thế dần các thầy thế hệ tiền bối nghỉ chế độ, đó là các thầy cô: cô Lê Thị Thu Hoa, thầy Bùi Xuân Nam, thầy Phạm Văn Hòa, thầy Nguyễn Tiến Hải, thầy Nguyễn Đình An, thầy Vũ Đình Hiếu, thầy Nguyễn Anh Tuấn, thầy Trần Quang Hiếu, cô Lê Thị Minh Hạnh, thầy Nhữ Văn Phúc, cô Lê Thị Hải, thầy Lê Quí Thảo, thầy Phạm Văn Việt, thầy Trần Đình Bão, thầy Đỗ Ngọc Hoàn và thầy Nguyễn Hoàng. Đội ngũ giảng viên của Bộ môn KTLT hiện tại là một trong những bộ môn chuyên môn có tiềm lực khoa học mạnh nhất Trường với 1 GS.TS, 3 PGS.TS, 6 GVC.TS, 1 GVC.ThS (NCS trong nước) và 1 GV.ThS (NCS nước ngoài), đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo đại học và sau đại học mà Nhà trường giao.

             Hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần cải tạo từng bước cơ sở hạ tầng của các địa phương nơi có các mỏ khoáng sản, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa; đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản và quan trọng là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động và những quyền lợi chính đáng của người lao động trong khai thác mỏ và vấn đề an toàn, vệ  sinh lao động luôn là những ưu tiên hàng đầu. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì ngành nghề Khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế dẫn đầu trong danh mục 11 ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tình hình vi phạm những quy định pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang diễn ra phổ biến trong các doanh nghiệp, cơ sở khai thác khoáng sản; đặc biệt là tai nạn lao động trong khai thác mỏ, nhất là trong khai thác than, khai thác đá và một số loại khoáng sản khác đã và đang xảy ra rất nghiêm trọng, do sạt lở tầng khai thác, trụt lở bãi thải....(ở mỏ lộ thiên); nổ khí, bục nước, sập lò,....(ở mỏ hầm lò) làm chết và bị thương nặng nhiều người. Ngành ATVSLĐ được coi là một môn khoa học về an toàn, vệ sinh môi trường lao động. An toàn, vệ sinh lao động vừa mang có tính chất pháp lý, khoa học, công nghệ, nghiên cứu nguyên nhân và tìm các giải pháp phòng ngừa: tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các yếu tố gây độc hại trong lao động, sự cố cháy nổ trong sản xuất; đồng thời tìm giải pháp đảo bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho người lao động.

            Nhận thức được vai trò của công tác đào tạo kỹ sư “An toàn, vệ sinh lao động”, năm 2019 Bộ môn Khai thác lộ thiên đã tiến hành xây dựng đề án mở mới đào tạo kỹ sư ngành An toàn, vệ sinh lao động và bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên (K67) từ năm 2022 cho đến nay.

            Trong công tác quản lý, đào tạo của Bộ môn, điều luôn được các thế hệ thầy cô quan tâm vun đắp đó là công tác chủ nhiệm và quản lý sinh viên. Việc gần gũi để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những khó khăn khi sinh viên mới tựu trường cho tới các kỳ thi, đi thực tập môn học, thực tập sản suất, thực tập kỹ sư rồi thực tập tốt nghiệp, quá trình làm đồ án tốt nghiệp đều được Bộ môn quan tâm. Hình ảnh buổi tối trời mưa bão, thầy Trưởng Bộ môn đi ủng, khoác áo đội mưa, xách đèn bão xuống lớp động viên sinh viên chuẩn bị cho ngày bảo vệ tốt nghiệp; thầy Chủ nhiệm lớp gắn bó với từng sinh viên trong lúc khó khăn, lúc thực tập xa trường, thậm chí thuộc tên và tính của từng sinh viên là những hình ảnh đẹp đi sâu vào ký ức của nhiều thế hệ sinh viên ngành KTMLT, ATVSLĐ. Chính vì thế nhiều tập thể lớp sinh viên lúc đầu vào Trường ở trong tình trạng yếu kém, nhờ sự quan tâm của Bộ môn và thầy Chủ nhiệm đã vươn lên đạt danh hiệu thi đua: Tập thể Xã hội chủ nghĩa, Tập thể Xuất sắc nhiều năm, như tập thể lớp KTLT khóa 18, 25, 30, 32, 36, 40,... Hình ảnh tận tụy của các thầy cô chủ nhiệm còn gắn bó mãi với nhiều thế hệ sinh viên như: Thầy Hồ Sĩ Giao, thầy Nguyễn Sỹ Hội, thầy Lê Văn Quyển, thầy Lê Hữu Quỳnh, thầy Nguyễn Phụ Vụ và nhiều thầy cô khác.

            Song song với công tác đào tạo kỹ sư ngành KTMLT và ngành ATVSLĐ, chương trình nghiên cứu khoa học cũng được Bộ môn chú trọng và được các thế hệ thầy trò ngành KTMLT, ATVSLĐ quan tâm triển khai. Ngay từ những ngày đầu xây dựng Ngành và Bộ môn, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ thời chiến, tiêu biểu là các đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp nổ mìn phân đoạn không khí ở mỏ Đèo Nai” năm 1961, “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp nổ mìn vi sai ở mỏ Cọc Sáu” năm 1962, “Thiết kế nổ mìn sân bay Kép (355 tấn thuốc nổ)” năm 1965 phục vụ Quốc phòng thời chiến, nghiên cứu nổ phá đồi “A1” Tây Bắc năm 1966 phục vụ giao thông thời chiến do thầy Lê Quang Hồng chủ trì. Có thể nói đây là “Đột phá khẩu” tạo tiền đề để các thế hệ thầy cô Bộ môn KTLT và ngành KTMLT, ATVSLĐ tiến quân vào khoa học. Các đề tài nghiên cứu, thiết kế ứng dụng trong thời bình như: Thiết kế nổ mìn buồng san nền nhà máy nhiệt điện Phả Lại năm 1976 -1978; Nghiên cứu đào sâu đáy mỏ Hà Tu; Thiết kế khai thác vỉa mỏng bờ Nam mỏ Cọc Sáu; Nổ mìn buồng ở mỏ đá Đồng Giao,… là những công trình gắn kết trí tuệ giữa thầy và trò ngành KTMLT. Đề tài NCKH và triển khai công nghệ của các thầy cô giáo Bộ môn KTLT được duy trì đều đặn và ngày càng mở rộng theo tiến trình phát triển, điển hình là các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, Nafosted và cấp Tỉnh liên quan đến công nghệ khai thác quặng apatit, than, vật liệu xây dựng, titan; an toàn nổ mìn, bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh lao động trong ngành mỏ,… dưới sự chủ trì của GS.TS. Trần Mạnh Xuân, PGS.TS. Hồ Sĩ Giao, GS.TS. Nhữ Văn Bách, TS. Nguyễn Phụ Vụ, GS.TS. Bùi Xuân Nam, PGS.TS Vũ Đình Hiếu, PGS.TS Phạm Văn Hòa, PGS.TS. Trần Quang Hiếu, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, TS. Nguyễn Hoàng,… đã được nghiệm thu và đánh giá cao, đã huy động đông đảo các thầy cô Bộ môn tham gia, thể hiện trí tuệ tập thể của Bộ môn. Nhiều đề tài NCKH, triển khai công nghệ áp dụng vào thực tế sản xuất và thiết kế khai thác dưới sự chủ trì của các thầy Trần Mạnh Xuân, Hồ Sĩ Giao, Nhữ Văn Bách, Lê Văn Quyển, Bùi Xuân Nam, Phạm Văn Hòa, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Quang Hiếu, Nguyễn Hoàng,… được các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, Tổng công ty Xi măng Việt nam, Công ty GAET Bộ Quốc phòng, Sở TN&MT Bình Dương, Sở TN&MT Ninh Bình,… đánh giá cao, đã giúp đội ngũ thầy cô trẻ nắm bắt, nâng cao trình độ thực tế và góp phần cải thiện đời sống của cán bộ. Thế hệ cán bộ trẻ của Bộ môn đã dần thay thế xứng đáng các bậc tiền bối, đã chủ trì nhiều đề tài cấp Bộ, tổ chức nhiều Hội Nghị khoa học Quốc tế tại Việt Nam và tham gia báo cáo khoa học tại nhiều Hội nghị quốc tế. Nhiệt huyết trong giảng dạy và NCKH của các thế hệ thầy cô đã lan truyền sang các thế hệ sinh viên như một lẽ tất nhiên. Phong trào sinh viên NCKH được mở ra, duy trì thường xuyên từ ngày đầu thành lập và ngày càng mở rộng, có nhiều nhiều đề tài NCKH sinh viên các thế hệ được đánh giá cao, nhận được giải thưởng của Bộ GD & ĐT và giải VIFOTEC (điển hình là cựu sinh viên Đàm Trọng Thắng - KTLT K30, cựu sinh viên Bùi Xuân Nam - Khai thác mỏ K36, nhóm cựu sinh viên K44 do Trần Văn Đạo làm nhóm trưởng,...). Phải khẳng định rằng công tác đào tạo và NCKH sau năm 1991 đã tiếp tục hướng đi đúng, mở ra một thời kỳ phát triển cả về lượng và chất, tạo tiền đề cho công tác đào tạo sau đại học và các chương trình khoa học công nghệ tiếp theo của Bộ môn.

         Trong 10 năm trở lại đây, Bộ môn KTLT là một trong số ít các bộ môn có thành tích NCKH nổi trội của Trường với 15 đề tài cấp Nhà nước, Nafosted, song phương, cấp Bộ và tương đương,… hàng trăm bài báo trong các tạp chí chuyên ngành và hội nghị khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt nhóm nghiên cứu mạnh “Những tiến bộ trong Khai thác mỏ bền vững và có trách nhiệm - ISRM” do GS.TS Bùi Xuân Nam là Trưởng nhóm có số lượng bài báo quốc tế có uy tín trong danh mục ISI/Scopus thuộc nhóm cao nhất trường, với khoảng 100 bài. Trong bộ môn đã xuất hiện nhiều cá nhân có thành tích khoa học và công bố quốc tế nổi trội như TS. Nguyễn Hoàng, PGS.TS. Vũ Đình Hiếu, PGS.TS. Trần Quang Hiếu, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, PGS.TS. Phạm Văn Hòa,…

2. Quá trình phát triển của Bộ môn và những thành tích đạt được

         Sự phát triển về đào tạo ngành KTMLT, ngành ATVSLĐ gắn liền với sự lớn mạnh không ngừng của Bộ môn KTLT. Từ ngày đầu thành lập, lực lượng cán bộ còn khá mỏng, trình độ ban đầu chỉ là kỹ sư, với định hướng đúng đắn về xây dựng đội ngũ trí thức mà chỉ sau 10 năm ra đời, Bộ môn đã có 4 PTS (thầy Phạm Công Khanh, thầy Trần Mạnh Xuân, thầy Phạm Văn Hiên, thầy Lê Quang Hồng). Đây là những hạt nhân quan trọng nhất, có vai trò định hướng phát triển về đào tạo, nghiên cứu khoa học của Bộ môn trong những ngày đầu mới thành lập. Ngay sau khi có quyết định số 446/TTg ngày 10/12/1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Trường Đại học Mỏ - Địa chất nhiệm vụ đào tạo Nghiên cứu sinh, với đội ngũ trí thức có học hàm, học vị cao, được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến trên thế giới, Bộ môn đã đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đào tạo Nghiên cứu sinh. Ngành KTMLT là một trong những ngành đầu tiên của Trường được giao nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh và thầy Hồ Sĩ Giao là nghiên cứu sinh trong nước đầu tiên của Bộ môn đã bảo vệ thành công luận án PTS năm 1981. Sự kiện này mở ra thời kỳ phát triển mới về đào tạo Sau đại học của Bộ môn, đó là: Thầy Nguyễn Thanh Tuân bảo vệ thành công luận án PTS năm 1986, thầy Nguyễn Phụ Vụ năm 1995; bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật (TS) có các thầy cô: Thầy Nguyễn Sỹ Hội năm 2003, thầy Lê Văn Quyển năm 2009, cô Lê Thị Thu Hoa năm 2012, thầy Nguyễn Đình An năm 2014. Cho tới nay, Bộ môn đã đào tạo được 30 tiến sĩ và đang quản lý 5 NCS trong nước. Các tiến sĩ được đào tạo từ Bộ môn đã trở thành các nhà khoa học, phát huy tốt năng lực của mình ở mọi cương vị công tác, luôn quan tâm đến sự nghiệp đào tạo của Bộ môn, tiêu biểu là các tiến sĩ: Hoàng Văn Liễu, Nguyễn Đăng Tế, Nguyễn Văn Thành, Lại Hồng Thanh, Lê Đức Phương, Mai Thế Toản, Lê Ngọc Ninh, Lưu Văn Thực, Đặng Thị Hải Yến, Đỗ Ngọc Tước, Hoàng Cao Phương, Nguyễn Xuân Quang, Nguyễn Tam Tính, Soukhanouvong... Để tiếp thu nền giáo dục đào tạo tiên tiến trên thế giới, Bộ môn đã cử nhiều cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài: thầy Nhữ Văn Bách bảo vệ thành công luận án PTS năm 1983 tại Liên Xô; thầy Nguyễn Thanh Tuân - luận án TSKH tại LB Nga năm 1992; thầy Bùi Xuân Nam - luận án TS năm 2005 tại CHLB Đức; thầy Phạm Văn Hòa - luận án TS tại CHLB Đức năm 2011; thầy Vũ Đình Hiếu tại Đài Loan năm 2012; thầy Trần Quang Hiếu tại LB Nga năm 2015; thầy Trần Đình Bão tại LB Nga năm 2019; thầy Đỗ Ngọc Hoàn tại LB Nga năm 2020.

         Đội ngũ nhà giáo của Bộ môn KTLT ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn có đã có 3 Giáo sư, 7 Phó Giáo sư, 1 Tiến sĩ khoa học, 10 Tiến sĩ, 4 Thạc sĩ và một số Kỹ sư thỏa mãn nhu cầu đào tạo trình độ cao của Bộ môn. Ngoài ra, Bộ môn KTLT còn đóng góp lực lượng chuyên gia giáo dục giúp các nước bạn trong cộng đồng quốc tế đào tạo Kỹ sư ngành KTMLT như: Thầy Phạm Văn Hiên chuyên gia giáo dục tại Angôla từ 1983 đến 1985, tại Angieria từ 1990 đến 1994; thầy Lê Quang Hồng chuyên gia giáo dục tại Angôla từ 1985 đến 1987; thầy Hồ Sĩ Giao chuyên gia giáo dục tại Angieria từ 1989 đến 1993.

         Cho tới nay, hầu hết các thế hệ thầy cao tuổi đã nghỉ chế độ nhưng vẫn được mời tham gia thỉnh giảng giúp Bộ môn có điều kiện cử cán bộ trẻ đi đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước. Hiện tại có 01 giảng viên của Bộ môn đang làm NCS ở nước ngoài là cô Lê Thị Minh Hạnh (Balan) và 01 NCS trong nước là thầy Phạm Văn Việt.

         Sau 60 năm, ngành KTMLT đã đào tạo được 52 khóa chính quy, 3 khóa chuyên tu, 37 khóa tại chức, 17 khóa cao đẳng, 10 khóa liên thông Cao đẳng - Đại học tốt nghiệp với hơn 5000 kỹ sư, 500 cử nhân cao đẳng ngành KTMLT. Ngành ATVSLĐ đã đào tạo được 02 khóa chính quy. Đây là con số phản ánh thành quả đào tạo đáng tự hào của Bộ môn, đóng góp cho sự nghiệp đào tạo của Nhà trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo, Bộ môn cũng đã cung cấp cho nước CHDCND Lào hơn 40 kỹ sư ngành KTMLT; đang đào tạo cho CHDCND Lào, Vương quốc Campuchia và Mông Cổ hàng chục kỹ sư ngành KTMLT tương lai. Bộ môn luôn giữ mối quan hệ hợp tác và thường xuyên cử cán bộ đi tham gia báo cáo trong các hội nghị quốc tế và hợp tác NCKH với nhiều trường đại học uy tín trên thế giới và khu vực như: Trường Đại học Kỹ thuật Bergakademie Freiberg - CHLB Đức; Trường Đại học Mỏ Matxcơva, Trường Đại học Mỏ Xanh Pêtecbua - LB Nga; Trường Đại học Mỏ Nancy - CH Pháp, Trường Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc; Trường Đại học Chiangmai, Trường Đại học Prince Songkla - Thái Lan; Trường đại học Dong A – Hàn Quốc; Trường Đại học Kyushu, Trường Đại học Hokkaido - Nhật Bản; Trường Đại học New South Wales - Ốtxtrâylia,… Quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong nước như: Vụ Khoa học kỹ thuật của Bộ Công Thương, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục An toàn và vệ sinh lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; các Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ở nhiều tỉnh; Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Khoa học - Công nghệ Mỏ, Viện Kỹ thuật công binh,… các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, Tổng Công ty Apatit Việt Nam, các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin, Công ty GAET, các Nhà máy sản xuất vật liệu nổ thuộc Bộ Quốc phòng,...

         Đội ngũ đông đảo kỹ sư ngành KTMLT được đào tạo trong 60 năm qua đã công tác ở khắp mọi miền của Tổ quốc trong các lĩnh vực mỏ, xây dựng, giao thông, thủy lợi, quốc phòng. Ngoài lực lượng chính làm việc ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị thành viên là các mỏ lộ thiên khai thác than, quặng, Tổng Công ty Hóa chất mỏ, Viện KHCN Mỏ, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp; số khá đông làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản thuộc các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ở các Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Tổng Công ty Apatit Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Công nghiệp Bộ Quốc phòng, Học Viện Kỹ thuật quân sự, Viện Kỹ thuật công binh, các mỏ khai thác vật liệu xây dựng trải dài trên khắp đất nước với các cương vị khác nhau từ kỹ thuật viên, nghiên cứu viên, giảng viên, trưởng phó phòng, quản đốc, phó quản đốc, giám đốc, phó giám đốc, cục trưởng, phó cục trưởng, đặc biệt có những kỹ sư KTMLT là Đại biểu Quốc hội. Ở cương vị nào họ cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn vận dụng sáng tạo những kiến thức đã được Nhà trường trang bị để giải quyết những vấn đề phức tạp của thực tế đặt ra, góp phần tích cực thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành mỏ nói riêng phát triển. Tiêu biểu cho các thế hệ sinh viên của ngành KTMLT luôn quan tâm tới sự nghiệp đào tạo của Bộ môn, gắn bó và cống hiến cho sự phát triển của ngành như các cựu sinh viên: Nguyễn Viết Hòe, Nguyễn Văn Tụng, Lê Đình Trưởng, Phạm Văn Toản, Phạm Cao Khiêm, Nguyễn Văn Sinh, Trần Văn Chiều, Phạm Thành Đông, Nguyễn Xuân Lập, Nguyễn Đình Duyệt, Trần Đăng Phi, Lê Xuân Liệu, Đặng Thanh Hải, Đàm Trung Kỳ, Vũ Anh Tuấn, Đàm Trọng Thắng, Nguyễn Thắng Thanh, Hoàng Cao Phương, Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Khắc Quyền, Nguyễn Anh Thơ, Đặng Xuân Tùng, Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Tuyển, Đinh Văn Toản, Phạm Gia Cửu, Bùi Hồng Quang, Lý Văn Lục, Trần Thị Mỹ Hạnh,… Điều đặc biệt có trường hợp trong gia đình 3 thế hệ ông, cha, con hoặc vợ chồng đều là kỹ sư ngành KTMLT và đều thành đạt; tiêu biểu là gia đình ông Đàm Du, Nguyên giám đốc mỏ thiếc Tĩnh Túc - Cao Bằng, con trai Đàm Trung Kỳ là giám đốc Công ty Khoáng sản Cao Bằng, hai cháu nội Đàm Trung Kiên và Đàm Trung Dũng cũng đều là các kỹ sư khai thác mỏ. Gia đình chị Ngọc Thúy Oanh lớp Khai thác Bằng 2 K65 có 4 người trong gia đình cùng học trong lớp. Gia đình anh Nguyễn Văn Khẩn và Chị Nguyễn Thị Nhường là cặp đôi tiêu biểu, anh là Giám đốc Công ty Than Cọc Sáu, chị là Trưởng phòng của công ty. Còn rất nhiều trường hợp có hai thế hệ trong gia đình là đồng nghiệp trong ngành KTMLT.

         Ngày 10/5/1991, Nhà nước có quyết định mở bậc đào tạo cao học, cấp bằng thạc sĩ kỹ thuật thì ngay sau đó (năm 1993), khóa cao học ngành Khai thác Mỏ đầu tiên (Khóa I) được mở ra để nâng cao trình độ của kỹ sư khai thác mỏ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Từ đó Bộ môn KTLT liên tục đào tạo bậc cao học, cho tới nay, gần 400 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ kỹ thuật ngành KTMLT, trong đó có hơn 10 thạc sĩ và 01 tiến sĩ cho nước bạn Lào. Các học viên cao học sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ đã phát huy tốt khả năng chuyên môn, trở thành cán bộ quản lý giỏi, luôn quan tâm tới sự nghiệp đào tạo của ngành và Bộ môn, tiêu biểu như các cựu học viên: Lê Đức Chinh, Lê Đức Ánh, Phạm Quốc Hùng, Nguyễn Như Quỳnh, Lê Ngọc Tích, Phạm Văn Khảm, Cao Bá Cường, Bùi Trọng Huynh, Trịnh Quang Trung, Trịnh Hải Cương, Trần Khắc Hùng, Nguyễn Tam Tính,... Ngoài ra Bộ môn còn mở được nhiều lớp bồi dưỡng chuyên đề đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

         Thành tích NCKH, triển khai công nghệ của Bộ môn trong 60 năm qua được thể hiện thông qua hàng chục đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh đã hoàn thành và được đánh giá cao về tính khoa học và thực tiễn; hàng trăm đề tài NCKH triển khai công nghệ được nghiên cứu và áp dụng thành công ở thực tế các mỏ lộ thiên trên khắp các vùng miền của đất nước; nhiều đề tài cấp cơ sở, hàng trăm các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí, ấn phẩm khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế.

         Ngoài các hoạt động chuyên môn, đội ngũ cán bộ các thời kỳ của Bộ môn đều có đóng góp đáng kể cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường. Có nhiều thầy các thế hệ được tín nhiệm vào Đảng ủy trường như: Thầy Phạm Công Khanh (Khóa II, III), thầy Phạm Quang Miện (Khóa III, IV), thầy Nguyễn Đình Cúc (Khóa V), thầy Phạm Văn Hiên (Khóa VI), thầy Trần Mạnh Xuân (Khóa X), thầy Nhữ Văn Bách (Khóa XV, XVI), thầy Nguyễn Phụ Vụ (Khóa XVI, XVII), thầy Lê Văn Quyển (Khóa XVIII), thầy Bùi Xuân Nam (Khóa XVIII, XIX, XX) và là Phó Bí thư Đảng ủy Trường các khóa XIX, XX. Thầy Nguyễn Phụ Vụ và thầy Bùi Xuân Nam là Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Các thầy Trần Mạnh Xuân, Nguyễn Phụ Vụ, Bùi Xuân Nam, Phạm Văn Hòa là Trưởng Khoa Mỏ nhiều nhiệm kỳ; các thầy Lê Quang Hồng, Hồ Sĩ Giao,… từng là Phó Trưởng Khoa Mỏ; các thầy Nhữ Văn Bách, Lê Văn Quyển, Bùi Xuân Nam, Vũ Đình Hiếu còn giữ chức vụ Trưởng phòng của các phòng: Đào tạo ĐH&SĐH, TCCB, Công tác Chính trị - Sinh viên, Xuất bản. Đóng góp cho phong trào Đoàn khoa Mỏ các thế hệ là thầy Lê Hữu Quỳnh - Bí thư LCĐ Khoa Mỏ (1982 - 1986), thầy Bùi Xuân Nam - Bí thư LCĐ Khoa Mỏ (1993 - 1995), thầy Nguyễn Hoàng - Bí thư LCĐ khoa Mỏ (2013-2015),…

         Với những thành tích đã đạt được, tập thể Bộ môn KTLT đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Tập thể Lao động xuất sắc của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Nhiều thầy cô các thế hệ cũng được Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng III, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nhiều thầy cô được công nhận là Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ và các phần thưởng cao quý khác. Để ghi nhận công lao đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý: NGND cho thầy Trần Mạnh Xuân và danh hiệu NGƯT cho các thầy Phạm Văn Hiên, Lê Quang Hồng, Hồ Sĩ Giao, Nhữ Văn Bách, Nguyễn Phụ Vụ và Bùi Xuân Nam.

         Trong 60 năm đào tạo ngành KTMLT và ngành mới ATVSLĐ, sự phát triển của Bộ môn KTLT gắn liền với truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các thế hệ thầy cô, tình cảm gắn bó đồng nghiệp giữa thầy và trò. Sáu mươi năm đã qua đi, bao thế hệ sinh viên đã trở thành kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ và các nhà quản lý, nhà nghiên cứu nhưng vẫn còn nguyên vẹn tình đồng nghiệp gắn bó giữa thầy và trò.

        Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ, phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, khó khăn của thời kỳ sơ tán, những thiếu thốn về vật chất của thời kỳ đầu đất nước thống nhất, thắt lưng buộc bụng để xây dựng Nhà trường, Khoa Mỏ và Bộ môn KTLT, vượt qua chính bản thân mình trong thời buổi kinh tế thị trường của mỗi thầy cô các thế hệ của Bộ môn KTLT, chúng ta có thể tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề nhưng đầy vinh quang mà Nhà trường và đất nước giao phó, khẳng định được thương hiệu của sản phẩm đào tạo ngành KTMLT và ngành ATVSLĐ của Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Với truyền thống đoàn kết, tận tụy, tất cả vì học trò thân yêu, với tiềm năng và ý chí được hun đúc qua 60 năm thử thách, thầy và trò ngành KTMLT và ngành ATVSLĐ nhất định sẽ tiếp tục quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.


Tập thể cán bộ, giảng viên bộ môn khai thác lộ thiên nhân dịp 45 năm thành lập ngành

Tập thể cán bộ, giảng viên bộ môn khai thác lộ thiên nhân dịp 50 năm thành lập ngành

Tập thể cán bộ, giảng viên bộ môn khai thác lộ thiên nhân dịp 55 năm thành lập ngành