1. Tính cấp thiết của việc mở ngành đào tạo kỹ sư ngành An toàn, vệ sinh lao động

Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hàng năm có khoảng 2,78 triệu vụ chết người xảy tại nơi làm việc. Điều này có nghĩa là, mỗi ngày, gần 7700 người chết vì các bệnh liên quan đến công việc hoặc thương tích. Ngoài ra, mỗi năm còn có khoảng 374 triệu thương tích và bệnh tật không gây ra tử vong, trong đó có nhiều trường hợp dẫn đến việc người lao động phải nghỉ làm trong một thời gian dài. Chính điều này là một bức tranh mô tả rõ nét về nơi làm việc hiện đại - nơi mà người lao động có thể gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng đôi khi đơn giản chỉ là "làm việc". Giai đoạn 2011-2019, ở Việt Nam, bình quân xảy ra 7500 vụ tai nạn lao động, làm hơn 8000 người bị nạn và khoảng 750 người chết trong khu vực có quan hệ lao động. Tai nạn lao động nghiêm trọng, tập trung nhiều trong  lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản.

Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật quan trọng về ATVSLĐ nhằm đảm bảo lợi ích của hoạt động khai thác mỏ, các thiết kế thi công phải có các biện pháp an toàn cụ thể, chi tiết; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ATVSLĐ cho đội ngũ quản lý, người lao động; về đánh giá và phân tích rủi ro trong khai thác mỏ. Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến đảm bảo ATVSLĐ và bảo vệ môi trường.

Nhằm đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngày 18/9/2013, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Chú trọng bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe  người lao động”. Đến năm 2030, phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, xây dựng xã hội an toàn. Với các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là cho những người yếu thế, người nghèo, người lao động…”.

Quá trình hội nhập, Việt Nam phải chấp hành nghiêm ngặt các tiêu chuẩn lao động, trong đó có tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế và trong các hiệp định Thương mại thế hệ mới. Một số nước sử dụng tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động làm hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa Việt Nam và đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thì mức độ cạnh tranh trong nền kinh tế ngày càng quyết liệt. Tất cả điều đó kéo theo khả năng gia tăng nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Số lượng các vụ tai nạn nghiêm trọng giai đoạn 20011-2019 không ngừng tăng lên. Đến nay, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động đã được ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát sinh những yếu tố nguy hiểm, độc hại mới kéo theo người lao động phải làm việc trong điều kiện có nhiều nguy cơ mất an toàn; việc ứng dụng công nghệ số, cách thức quản lý trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được đầu tư nghiên cứu, áp dụng; việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay còn rất yếu kém, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực xây dựng, khai thác khoáng sản.

Hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần cải tạo từng bước cơ sở hạ tầng của các địa phương nơi có các mỏ khoáng sản, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa; đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản và quan trọng là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động và những quyền lợi chính đáng của người lao động trong khai thác mỏ và vấn đề an toàn, vệ  sinh lao động luôn là những ưu tiên hàng đầu. Trong những năm gần đây, sau khi Bộ Luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động cùng với các Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật, các Quy chuẩn kỹ thuật  an toàn trong khai thác mỏ được ban hành, trật tự khai thác khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản đã từng bước được thiết lập, hạn chế dần các hoạt động khai thác trái phép khoáng sản, khai thác gây mất an toàn lao động, phá hoại môi trường. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì ngành nghề Khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế dẫn đầu trong danh mục 11 ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tình hình vi phạm những quy định pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang diễn ra phổ biến trong các doanh nghiệp, cơ sở khai thác khoáng sản; đặc biệt là tai nạn lao động trong khai thác mỏ, nhất là trong khai thác than, khai thác đá và một số loại khoáng sản khác đã và đang xảy ra rất nghiêm trọng, do sạt lở tầng khai thác, trụt lở bãi thải....(ở mỏ lộ thiên); nổ khí, bục nước, sập lò,....(ở mỏ hầm lò) làm chết và bị thương nặng nhiều người. Môi trường lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm nhiều người bị bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Môi trường đó không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi mỏ mà còn đang tác động không nhỏ đến một bộ phận rất lớn người dân sinh sống trong khu vực. Chính vì những lý do đó, việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ đang rất cần sự quan tâm đầu tư và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan. 

Ảnh 1. Phát biểu chỉ đạo của GS.TS Bùi Xuân Nam

Ảnh 2. Báo cáo tham luận của TS. Nguyễn Anh Thơ

Điều 75 Luật ATVSLĐ đã quy định tiêu chuẩn đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, yêu cầu phải là kỹ sư tốt nghiệp các chuyên ngành kỹ thuật.

Ngành ATVSLĐ được coi là một môn khoa học về an toàn, vệ sinh môi trường lao động. An toàn, vệ sinh lao động vừa mang có tính chất pháp lý, khoa học, công nghệ, nghiên cứu nguyên nhân và tìm các giải pháp phòng ngừa: tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các yếu tố gây độc hại trong lao động, sự cố cháy nổ trong sản xuất; đồng thời tìm giải pháp đảo bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho người lao động.

Nhận thức được vai trò của công tác đào tạo kỹ sư “An toàn, vệ sinh lao động”, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã tiến hành xây dựng đề án mở mới ngành: An toàn vệ sinh lao động. 

Ảnh 3. Toàn cảnh Hội thảo mở ngành đào tạo An toàn, vệ sinh lao động của Bộ môn Khai thác Lộ thiên, trường Đại học Mỏ - Địa chất

Với yêu cầu hội nhập, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ kho chỉ nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động và tài sản, trật tự xã hội mà là thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa đó, do đó nhu cầu cần có những nhà khoa học, nhân lực có chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động ngày càng cao,g công tác đào tạo đại học hiện nay cần đáp ứng tốt nhu cầu này của các doanh nghiệp và xã hội.

Khi có nguồn nhân lực làm Công tác ATVSLĐ có chất lượng, hội nhập sẽ  đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng, duy trì và đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo hình ảnh tốt đẹp trên thị trường, cộng đồng và giảm thiểu những chi phí lãng phí do sự cố tai nạn gây ra.

Do đó, ngành đào tạo: An toàn, vệ sinh lao động của các trường cần được thúc đẩy, mở rộng ở các ngành kỹ thuật ra sẽ cung cấp nguồn nhân lực kỹ sư An toàn, vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khai thác thác khoáng sản, xây dựng, cơ khí, giao thông ...và cả các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực khác, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, ATVSLĐ, tổ chức nghiên cứu, đơn vị dịch vụ huấn luyện, kiểm định, quan trắc môi trường lao động ở Việt Nam, qua khảo sát nhanh, việc mở ngành đào tạo Kỹ sư An toàn, vệ sinh lao động là rất phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay, cũng như có tính cấp thiết cao.

 Kết luận

Khi mở mới ngành đào tạo An toàn, vệ sinh lao động cần quan tâm tới nhu cầu của xã hội đối với nguồn nhân lực An toàn, vệ sinh lao động, chú trọng tới công tác đào tạo gắn với thực tế sản xuất tại các đơn vị để có phương hướng tuyển sinh đầu vào và đào tạo đầu ra sau khi sinh viên tốt nghiệp. Cần tham khảo các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến để có nội dung, chương trình đào tạo kỹ sư ATVSLĐ vừa thực tiễn, vừa hội nhập và tiến bộ, hiện đại. 

GS.TS Bùi Xuân Nam; TS. Trần Quang Hiếu

Bộ môn Khai thác lộ thiên, Trường Đại học Mỏ-Địa chất

(Nguồn tin: Vnniosh.vn)